Thủ tướng đề nghị nhiều Bộ cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để ngành gỗ sớm đạt kim ngạch xuất khẩu 11,7 tỷ USD trước năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị về định hướng phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tổ chức sáng 8/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của hơn 4.000 doanh nghiệp để chỉ số phát triển toàn ngành duy trì mức 8-15%, tương ứng kim ngạch bình quân tăng trưởng hơn 440 triệu USD mỗi năm.
Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng đến năm 2025, chế biến gỗ sẽ trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Việt Nam chuyển mình từ một quốc gia phải nhập khẩu gần 70% nguyên liệu thành trung tâm sản xuất đồ gỗ chất lượng, xây dựng được thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các Bộ, hiệp hội và doanh nghiệp cùng tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng. Đầu tiên là chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm khiến giá trị gia tăng giảm, chất lượng sản phẩm kém cạnh tranh. Ngành gỗ dự kiến vài năm tới vẫn phải nhập khẩu 20-30% nguyên liệu, trong khi các quốc gia cung cấp nguồn hàng lớn cho Việt Nam lại đang siết chặt chính sách nhằm hạn chế khai thác và xuất khẩu nguyên liệu.
Thứ hai, chi phí sản xuất còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Nguyên nhân của điều này một phần đến từ việc đa số doanh nghiệp gỗ hoạt động theo kiểu đơn lẻ, thiếu liên kết để tối ưu hóa chi phí. Số lượng tổ chức, cá nhân nhập khẩu gỗ lớn và bằng nhiều hình thức khác nhau nên khó kiểm soát nguồn cung, từ đó dẫn đến việc tranh mua, tranh bán, ép giá giữa các doanh nghiệp...
Thứ ba, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia chưa được chú trọng đúng mức. Đa số doanh nghiệp ngành gỗ vẫn là đơn vị gia công theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài.
Thứ tư, công nghiệp phụ trợ còn sơ khai nên vật liệu phục vụ chế biến gỗ như sơn, keo... vẫn phải nhập khẩu. Nguồn nhân công dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất thấp.
Thứ năm, yêu cầu bảo vệ mội trường ngày càng cao dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ 100% hợp pháp và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp khi giá nguyên liệu gỗ đầu vào tăng lên, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm.
Cuối cùng là thương mại toàn cầu được dự báo tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa các “ông lớn” trên thế giới diễn biến phức tạp.
Ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2018 đạt 9 tỷ USD.
Thừa nhận đang đối mặt với hàng loạt thách thức, nhưng Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) – ông Huỳnh Văn Hạnh cũng tự tin cho rằng ngành gỗ đang đứng trước thời cơ vàng bởi thị trường cùng lúc hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Điển hình là thu nhập lẫn chi tiêu của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu nội thất phục vụ cho các dự án bất động sản tăng chóng mặt, cường quốc sản xuất đồ gỗ như Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ...
Theo ông Hạnh, cơ quan quản lý cần hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh theo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng giúp ngành hoàn thành mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến năm 2020 đạt 11,7 tỷ USD, giá trị nội địa đạt 2 tỷ USD.
Đại diện HAWA đề xuất bốn chính sách để phát triển gỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn là thúc đẩy nguồn nguyên liệu, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ và khuyến khích đầu tư.
Điều này được cụ thể hơn bằng những kiến nghị của bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Woodsland khi yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp có biện pháp hỗ trợ giảm tải các chi phí bất hợp lý trong chuỗi cung ứng, giảm xuất siêu nguyên liệu gỗ thô, bảo đảm nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế..
Bà Tuyết nêu ví dụ, UBND quận Hải An (Hải Phòng) ra văn bản thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển 250.000 đồng cho một container 20 feet, 500.000 đồng cho một container 40 feet.
“Bình quân mỗi tháng chúng tôi xuất nhập khẩu 60 container gỗ thì chi phi phát sinh gần 400 triệu. Quy định bất hợp lý này tạo nên gánh nặng phí chồng phí cho doanh nghiệp", bà Tuyết cho hay.
Phương Đông
Trụ sở chính: 209 Mã Lò, Khu phố 10, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân
VPĐD: 168/14 Nguyễn Súy, P.Tân Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM
Điện thoại: 028 5678 0018 - 0909 350 508 - Fax: 028 5678 0016
Email: [email protected]
Hotline