Ngành gỗ xuất khẩu trước “cảnh báo đỏ” thuế chống bán phá giá

THIEN LOC TRADE IMPORT EXPORT CO.,LTD

Vietnamese Engish Chinese
0909 350 508

新闻与事件

Ngành gỗ xuất khẩu trước “cảnh báo đỏ” thuế chống bán phá giá

Việc gỗ dán cùng với 12 mặt hàng khác vừa bị “cảnh báo đỏ” do trùng với các sản phẩm Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho thấy nguy cơ không nhỏ với ngành gỗ xuất khẩu.

Cơ hội có nhiều

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện nay có 5.424 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có 612 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và lâm sản đến hơn 128 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 6,05 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chủ yếu, đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 87,7% giá trị xuất khẩu lâm sản.

Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam đã nhập khẩu từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,46 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Chile, Cameroon, Thái Lan là 5 thị trường có giá trị nhập khẩu lớn của Việt Nam, đạt 757,6 triệu USD, chiếm 52% giá trị nhập khẩu, đặc biệt là gỗ, ván công nghiệp, vì đây là xu thế tiêu dùng chính hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Gỗ An Cường nhận định, thị trường gỗ nội thất Việt Nam hiện nay đang có dư địa phát triển lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu chúng ta biết tận dụng tốt, đi đúng hướng, đây sẽ là cơ hội lớn giúp ngành gỗ Việt có bước phát triển vượt bậc.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam có nhiều cơ hội đón nhận nguồn vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc, do chúng ta có các lợi thế về cơ chế chính sách thông thoáng, nhân công giá rẻ, hệ thống giao thông, cảng biển nước sâu thuận lợi.

Ngoài ra, từ khi Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, các hoạt động thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản vào EU cũng như thị trường khác.

Trước những lợi thế trên, theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019 mà Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là có khả thi.

Nhưng không ít nguy cơ

Theo Bộ Công Thương, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận về xuất xứ hàng hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất gỗ dán của Việt Nam.

Thực tế, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ có mức tăng trưởng đột biến, tăng 270% trong năm 2018 (so với mức 51,4 triệu USD trong năm 2017). Trong 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này đạt 46,7 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ.

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã đưa ra danh sách 13 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Canada. Trong đó, gỗ dán bị cảnh báo mức độ 4 là mức độ cao nhất.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ là 44 dự án, trong đó Trung Quốc có tới 29 dự án, chiếm 66%.

Điều đáng nói là, tuy số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam tăng đột biến, nhưng số vốn đầu tư lại khá nhỏ. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư của 44 dự án là 135,7 triệu USD, bình quân 3 triệu USD/dự án; trong đó, số vốn đầu tư bình quân vào một dự án của doanh nghiệp Trung Quốc là 2,4 triệu USD/dự án, còn của các nước khác là 4,3 triệu USD/dự án.

Theo ông Trị, dù đang tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng ngành gỗ có thể sẽ đối mặt với một số khó khăn như việc kiểm soát chất lượng của các dự án FDI, nguy cơ về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Đặc biệt, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ, có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

“Điều này sẽ rất nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến ngành gỗ nếu chính quyền Mỹ đánh giá việc gian lận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam là nghiêm trọng và từ đó có những chính sách trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam tương tự như ngành thép trong thời gian qua”, ông Trị cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ván dán đang là mặt hàng bị nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ, bởi con số xuất khẩu ván dán của Việt Nam sang Mỹ tăng một cách đột biến.

Ông Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ phải hết sức thận trọng trước những thách thức trên. Cần thực hiện các chính sách cho đúng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, tránh việc gian lận thương mại. Đồng thời, kịp thời phát hiện và thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các hành vi gian lận thương mại.

Nhấn mạnh hơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, cần rà soát kỹ lại tăng trưởng thành phẩm, những nhận thức để có biện pháp phối hợp, không để tình trạng trục lợi, giả danh truy xuất nguồn gốc.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp chuyên về gỗ nội thất lớn ở Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng trôi nổi theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam rất nhiều. Trong khi đó, để nhận biết được hàng trôi nổi kém chất lượng rất khó, vì mẫu mã ván ép, gỗ công nghiệp là giống nhau và cũng chỉ có các đơn vị thi công chuyên về mộc mới nhận biết được.

Với các sản phẩm này, khi sản xuất, lắp ráp dễ bị cong vênh, độ ép không đạt. Thậm chí, một số sản phẩm còn có nồng độ an-đê-hít rất cao, có mùi sốc khó chịu gây nguy cơ độc hại cho người sử dụng.

“Do đó, khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm gỗ nói chung sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn. Các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính sẽ được hưởng lợi”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Ngoài các thách thức trên, một khó khăn nữa, theo đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ, đó là thủ tục xin và cấp đất để mở rộng quy mô trồng rừng, sản xuất, cũng như việc thu mua nguyên liệu, do các thương lái thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô.

Một phần nữa là do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng, đặc biệt là Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc... dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

CÔNG TY TNHH MTV THƯƠNG MẠI - XUẤT NHẬP KHẨU THIÊN LỘC

Trụ sở chính: 209 Mã Lò, Khu phố 10, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân

VPĐD: 168/14 Nguyễn Súy, P.Tân Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM

Điện thoại: 028 5678 0018 - 0909 350 508 - Fax: 028 5678 0016

Email: [email protected]

Follow us
Facebook Zalo Skype

Designed by Vietwave

Hotline